Bá tước Mông-tê Crix-tô - Tác phẩm kinh điển luôn sống với thời gian

Hôm qua dạo trang medium và bắt gặp một bài viết khiến mình ấn tượng ngay với tiêu đề: 
"The Power of Writing About the Things You Read" (Sức mạnh của việc viết về những gì bạn đã đọc). 
Đó là lý do vì sao hôm nay nhất định mình phải hoàn thành bài viết về cuốn sách mình tâm đắc nhất gần đây: Bá tước Mông tơ Crix-tô

Trang bìa của sách
Trước đây mình hay thích để nguyên văn tên tiếng Anh của nhân vật/cuốn sách khi trích dẫn hay viết lại, nhưng giờ quan niệm đó có thay đổi chút ít khi đọc qua những tác phẩm kinh điển được dịch sang tiếng Việt. Trước đây vốn nghĩ việc dịch sạch đơn giản là chuyển đổi ký tự giữa 2 ngôn ngữ, nên mình không thích cách viết tên theo phiên âm (thường thấy ở sách từ NXB Văn học), vì như vậy có khi làm sai phát âm của cái tên đó. Nhưng giờ có lẽ giảm bớt suy nghĩ ếch ngồi đáy giếng đó lại, các nhà văn chắc chắn có kiến thức uyên thâm hơn về ngôn ngữ học để lựa chọn từ phù hợp. Thử viết vài blog mới thấy việc chọn từ để viết/dịch là điều không hề dễ dàng. Từ đó mới để tâm kính trọng những dịch giả của các cuốn sách. Và mình thôi phân vân về cách dịch sách khi nghe được câu này (trong một diễn đàn về văn hóa):
"Việc dịch một cuốn sách đồng nghĩa với việc sáng tác lại cuốn sách đó theo cách của mình"
Thế cho nên, hôm nay càng thôi thúc mình viết hơn, về những gì mình đã đọc. Với một tác phẩm lớn như Mông tơ Crix tô, có lẽ đã có quá nhiều bài đánh giá hay hơn bài viết này, nhưng mình cứ viết: Trước là rèn luyện kĩ năng viết, sau là đánh giá lại xem mình đã hiểu tác phẩm tới đâu, liệu có thể chuyển dịch câu chuyện kinh điển kia theo một cách khác hay không; và những bài học nào có thể thêm vào hành trang của mình?

Đã đọc cuốn sách này một tháng trước, do tự ti mình viết cảm nhận không hay, hạ thấp giá trị tác phẩm nên lưỡng lự mãi không viết. Thật sự đúng như phân loại của hạng mục tiểu thuyết, đây là một tác phẩm kinh điển sống mãi với thời gian. Đã hai trăm năm trôi qua nhưng với những người hoài cổ như mình, tác phẩm nên thực sự là một cuốn không thể thiếu trong tủ sách cá nhân.

Với ấn bản từ nhà sách Minh Thắng (như hình trên), bạn đọc đã có thể biết ngay cốt truyện. Mình đặc biệt không thích biết trước cốt truyện, vì như vậy thì đâu còn gì là thú vị, gây cấn nữa. Nhưng sau khi đọc cuốn này, có lẽ phải xem xét lại quan niệm đó, việc cốt truyện được giấu kín, để tạo kịch tính cuối truyện có lẽ nên áp dụng với những loại sách như trinh thám hay hành động. Còn với một tác phẩm hay, tất cả không chỉ dựa vào cốt truyện.

Vậy tiếu thuyết có thên những điều đặc biệt gì?
Đầu tiên là nghệ thuật dựng cảnh sắc sảo của tác giả, và bản dịch hoàn hảo của dịch giả. Lướt qua những trang đầu tiểu thuyết, tình tiết có phần gây cấn nhưng không có gì quá đặc biệt. Điều khiến mình tiếp tục lật tranh sách là cách tác giả mô tả những tình tiết đó: nước Pháp thế kỷ XVIII như hiện lên rõ mồn một trong từng trang sách. Và tới những chương tiếp theo, từng vùng của nước Pháp cũng như châu Âu được khắc họa nhẹ nhàng nhưng rõ nét. Mỗi lần mở sách ra là mình lại được hòa mình vào thời cận đại nhiều biến động của châu Âu. Alexandre Dumas đã tạo nên một thế giới chân thực qua những trang sách của mình. Và đó là điều mình mong chờ nhất ở một tác phẩm hay: một nơi ta có thể quan sát các nhân vật, nhưng cũng có thể lặng ngắm cái khung cảnh toàn mỹ trong sách, rủ bỏ những uể oải của cuộc sống thường ngày.

Những khu cảnh đó được tạo nên từ nghệ thuật dùng từ nhạy bén của tác giả. Và cả dịch giả nữa. Lần này thì mình khen người dịch trước, vì chú đã dùng rất nhiều từ tiếng Việt hay để dịch. Những từ đó nếu không đọc tiểu thuyết thì chắc mình chả biết được. Nhưng cái hay ở chỗ dù ít gặp, nhưng khi đọc lên thì có thể hiểu được khá rõ ý nghĩa của nó. Một phần là đoán nghĩa nhờ ngữ cảnh, cũng có thể một phần nhờ những âm tiết đó đã ghi vào trí não mình, chỉ do mình ít sử dụng quá nên không nhớ được. Những từ này được sử dụng rất "đắt", đặc biệt là những phân đoạn miêu tả nhân vật. Mỗi lần đọc được một từ đắt giá là mình lại sướng run lên, cảm giác mình hiểu được trọn vẹn tâm lí nhân vật trong khung cảnh đó thật sự nó rất phấn khích vô cùng. Vì thế mà đây là cuốn tiểu thuyết hết sức lôi cuốn, cầm lên mình không muốn bỏ xuống, nhưng cũng tạm gấp lại vì đọc nhanh quá thì sợ sẽ hết sớm mất.

Cuối cùng, cái hay lôi cuốn mình từ đầu đến cuối lại là... cốt truyện. Nghe có vẻ mâu thuẫn một tí, nếu nói chính xác hơn thì là nhờ những diễn tiến trong cốt truyện. Bạn có thể biết cốt truyện chính qua một đoạn giới thiệu ngắn 100 từ. Nhưng 100 từ đó làm sao có thể diễn tả hết tất cả sự việc của một tiểu thuyết hàng chục ngàn từ được. Có rất nhiều tình tiết, nhiều rẻ nhánh khiến mình bất ngờ chứ không chỉ đơn giản như cốt truyện được giới thiệu. Và những tình tiết này lại là đất diễn cho nghệ thuật dùng từ đắt giá của tác giả. Câu chuyện về cuộc đời mấy mươi năm thăng trầm của Mông tê Crix tô được Alexandre dẫn dắt thật tài tình làm sao: không quá nhanh không quá chậm, dừng lại thật lâu ở những chỗ thật đắt giá để người đọc mãi lâng lâng với những trang sách chỉnh chu. Để rồi khi ta gập sách lại, một cảm giác khoan khái lạ thường như vừa trải qua một chuyến phiêu lưu diệu kì nhất, tràn đầy năng lượng cho chặng đường trước mặt.

Có rất nhiều câu châm ngôn giàu triết lí xuyên suốt tác phẩm, mà ắt hẳn tác giả đã trải nghiệm rất nhiều để có thể đúc kết lại. Mỗi châm ngôn là một bài học sâu sắc mà phần nào mình cảm nhận được cho tâm hồn.
Thỉnh thoảng ta lại tự hỏi ta được gì khi đọc một cuốn sách? Với mình đó là cách mát xa cho đầu óc. Một cuốn sách hay sẽ giúp ta thấm nhuần giá trị của cuốn sống một cách tự nhiên nhất. Mỗi trang sách là một miền nghỉ dưỡng thư thái cho tâm hồn; để cảm được cái gọi là "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến".

Dù ta đọc chậm, nhưng sẽ giúp ta đi nhanh hơn.

---V---




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những cuốn sách đầu tay của mỗi người

The Anthem of the Heart - Bài thánh ca từ Trái tim - 心が叫びたがってるんだ。

Hành trình đến Đà Lạt cùng Tink3 extd